Chân vòng kiềng có ảnh hưởng đến chiều cao không?

Con có đôi chân vòng kiềng khiến nhiều cha mẹ lo lắng. Tuy nhiên, phần lớn đều chỉ quan tâm đến yếu tố thẩm mỹ mà không biết rằng chân vòng kiềng còn là biểu hiện của chậm phát triển chiều cao. Vậy chân vòng kiềng có ảnh hưởng đến chiều cao không? Có cách nào để khắc phục tình trạng chân bị vòng kiềng? Cùng NuBest Vietnam giải đáp thắc mắc này trong bài viết dưới đây nhé.

Phân tích ảnh hưởng của chân vòng kiềng đến chiều cao

Chân vòng kiềng còn được gọi là chân khuỳnh, là tình trạng một hoặc cả 2 chân bị cong vòng ra ngoài. Khi khép chân, hai mắt cá chân chạm vào nhau, trục 2 chi dưới lại tạo thành một vòng tròn, còn được gọi là chân chữ O. Khi đứng hoặc đi lại, sẽ có một khoảng trống giữa 2 đầu gối.

Chân vòng kiềng còn gọi là chân chữ O
Chân vòng kiềng còn gọi là chân chữ O

Chân vòng kiềng có thể ảnh hưởng hoặc không ảnh hưởng đến quá trình sinh hoạt, làm việc. Tuy nhiên, cũng không nên chủ quan trước tình trạng chân vòng kiềng, vì tuỳ vào nguyên nhân gây nên mà chân vòng kiềng có thể tác động xấu đến sự phát triển chiều cao của trẻ.

Chân vòng kiềng sinh lý

Trẻ sơ sinh khi vừa chào đời đều bị chân vòng kiềng sinh lý. Điều này do không gian trong tử cung chật hẹp, trẻ nằm cong chân lại để vừa với tử cung. Chân vòng kiềng sinh lý sẽ dần dần được cải thiện theo thời gian. Một số trẻ khi biết đi vẫn còn bị chân vòng kiềng. Nhưng khoảng 1-2 năm sau, chân của trẻ sẽ trở nên  bình thường.

Chân vòng kiềng sinh lý không ảnh hưởng đến chiều cao và sẽ tự điều chỉnh khi trẻ lớn lên. Theo độ tuổi tăng lên, hình dáng chân sẽ trở nên thẳng hơn, khoảng trống giữa 2 gối thu hẹp dần.

Chân vòng kiềng do bệnh lý

Một số bệnh lý có thể khiến chân trẻ bị vòng kiềng. Trẻ bị chấn thương xương hay mắc các bệnh về thiếu hụt dinh dưỡng, bệnh về xương, sẽ làm sự phát triển xương bị bất thường, biến dạng, gây chân vòng kiềng. Chân vòng kiềng do bệnh lý khi trẻ lớn lên rất khó khắc phục. Quan trọng hơn, nó ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng chiều cao. Xương ở hình dáng thẳng sẽ dài hơn so với khi phát triển lệch công. Chân vòng kiềng sẽ làm trẻ chậm phát triển so với trẻ cùng tuổi

Nguyên nhân dẫn đến chân vòng kiềng

Chân bị vòng kiềng có thể do các nguyên nhân sau đây:

Yếu tố sinh lý

Tình trạng chân vòng kiềng có thể do di truyền. Cha và mẹ hoặc cả 2 người đều có chân bị vòng kiềng, con cái cũng có khả năng bị chân vòng kiềng dù không gặp chấn thương hay mắc phải các bệnh xương khớp.

Tốc độ phát triển xương không đồng đều cũng là một yếu tố gây nên chân vòng kiềng. Khi hệ xương tăng trưởng quá nhanh, quá chậm cũng tác động đến hình dáng xương.

Trẻ sơ sinh khi vừa chào đời đều bị chân vòng kiềng sinh lý
Trẻ sơ sinh khi vừa chào đời đều bị chân vòng kiềng sinh lý

Yếu tố bệnh lý

Một số bệnh lý có thể gây ra chân vòng kiềng:

Còi xương

Trẻ thiếu hụt canxi, vitamin D, phốt pho… có thể bị còi xương. Trẻ em còi xương có xương nhỏ, yếu, mềm, dễ gãy, không thể chịu được sức nặng của trọng lượng cơ thể và có xu hướng cong dần đi theo thời gian. Xương chân là phần chịu lực chính của cơ thể và di chuyển thường xuyên nên sẽ dễ bị cong nhất, tạo thành dáng chân cong hình chữ O là chân vòng kiềng.

Rối loạn chuyển hóa canxi

Trẻ bị rối loạn chuyển hoá canxi, canxi nạp vào bị đào thải ra ngoài hoặc tập trung đến những nơi khác thay vì xương, làm cho xương thiếu hụt canxi, dẫn đến còi xương, xương biến dạng, chân vòng kiềng, chiều cao kém phát triển.

Bệnh Blount

Còn được gọi là bệnh vẹo xương chày – tibia vara. Ống chân của trẻ phát triển không bình thường. Bệnh này thường gặp ở nữ giới, những trẻ bị béo phì. Những bé biết đi sớm có nguy cơ mắc bệnh Blount cao hơn bình thường. Lúc trẻ còn nhỏ, khó có thể phân biệt được bệnh Blount và chân vòng kiềng sinh lý. Nhưng nếu chân ngày càng cong sau giai đoạn trẻ 3 tuổi thì cần cảnh giác với Blount.

Bệnh Legg-Calvé-Perthes

Bệnh Legg-Calvé-Perthes là bệnh hoại tử xương sụn, do sự hoại tử vô khuẩn tự phát của chỏm xương đùi. Bệnh thường gặp ở trẻ từ 5-10 tuổi, phổ biến hơn ở bé trai với các biểu hiện đau khớp hông, chân đi khập khiễng, đau đầu gối, cơ đùi bị teo. Xương không phát triển bình thường do quá trình tự hoải tử có thể dẫn đến chân vòng kiềng.

Bệnh Parget

Đây là một bệnh lý chuyển hoá, xương không tự liền, tự phục hồi được. Tình trạng bệnh có thể dẫn đến chân vòng kiềng cùng nhiều vấn đề sức khoẻ khác. Tuy nhiên, bệnh lý này thường gặp ở người lớn tuổi hơn là trẻ em.

Bệnh Parget khiến xương chân phát triển bất thường, thường gặp ở người lớn
Bệnh Parget khiến xương chân phát triển bất thường, thường gặp ở người lớn

Một số nguyên nhân khác cũng gây ra chân vòng kiềng gồm:

  • Trẻ bị ngộ độc chì, ngộ độc flo gây mất cân bằng tế bào xương, ảnh hưởng đến sự phát triển xương.
  • Trẻ bị gãy xương nhưng không được điều trị đúng cách.
  • Trẻ bị loạn sản xương, xương phát triển bất thường.

Hậu quả của việc không điều trị chân vòng kiềng

Nếu không điều trị chân vòng kiềng do bệnh lý cho trẻ, cha mẹ có thể khiến con phải đối mặt với những nguy cơ sau:

– Ảnh hưởng đến thẩm mỹ, dáng đi, gây mất tự tin: Theo quan điểm về thẩm mỹ, chân vòng kiềng được xem là không đẹp. Người có chân vòng kiềng dáng đi cũng khá xấu, nhìn thô và không có sự thanh thoát. Do đó, khi lớn lên trẻ sẽ rất tự ti với ngoại hình, vóc dáng của mình, không dám mặc đồ ngắn lộ chân.

– Gây đau nhức khớp, khó khăn trong vận động: Người có chân vòng kiềng có thể gặp một số khó khăn khi vận động, đặc biệt là khiêng vật nặng, làm việc nặng do phần xương chân không được vững chãi như người bình thường, khó giữ thăng bằng. Họ cũng thường xuyên đau nhức, dễ chấn thương hơn khi vận động mạnh, làm việc nặng.

– Tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về xương khớp sau này: Chân vòng kiềng tạo ra áp lực, làm mất cân bằng hệ xương, ảnh hưởng đến khớp gối, mắt cá chân, hông, bàn chân. Theo thời gian có thể gây ra viêm khớp, chấn thương khi vận động, đẩy nhanh thoái hoá khớp. 

Giải pháp cho vấn đề chân vòng kiềng

Trước tình trạng con bị chân vòng kiềng, cha mẹ nên áp dụng các biện pháp sau đây để cải thiện vấn đề này hiệu quả.

Với chân vòng kiềng sinh lý, sẽ tự hết khi trẻ đạt khoảng 2 tuổi mà không cần tiến hành điều trị. Tuy nhiên, cha mẹ vẫn cần theo dõi và đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý cho con mỗi ngày, giúp hệ xương phát triển tốt.

Con bị chân vòng kiềng do yếu tố bệnh lý, cha mẹ cần đưa con đến cơ sở y tế để thăm khám, xác định nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa. Các phương pháp điều trị có thể bao gồm:

– Bổ sung dinh dưỡng: Trường hợp trẻ bị chân vòng kiềng do còi xương, thiếu hụt Canxi, vitamin D. Nên điều chỉnh lại chế độ ăn uống của con hằng ngày, tăng cường nhóm thực phẩm giàu canxi, vitamin D, protein… nhằm bổ sung dưỡng chất thiết yếu giúp hệ xương khỏe mạnh và tăng trưởng nhanh chóng hơn. Hạn chế cho con ăn những thực phẩm ảnh hưởng đến hấp thụ canxi như thức ăn nhanh, rượu bia, nước ngọt có ga, coffee… 

Chế độ ăn đa dạng thực phẩm giúp xương phát triển tốt
Chế độ ăn đa dạng thực phẩm giúp xương phát triển tốt

– Sử dụng dụng cụ chỉnh hình: Với những trẻ bị chân vòng kiềng do bệnh Blount, có thể cho trẻ sử dụng nẹp mắt cá chân KAFO (khi trẻ đạt 8 tuổi) nhằm giảm bớt sự chèn ép cho đầu gối, giúp hệ xương phát triển bình thường, giảm sự mất cân bằng ở bàn chân, giúp con đạt chiều cao tốt hơn khi trưởng thành.

– Vật lý trị liệu: Để khắc phục chân vòng kiềng cho trẻ, cha mẹ có thể đưa con đến cơ sở y tế hoặc mời chuyên gia về nhà để thực hiện các bài tập vật lý trị liệu chuyên sâu. Các bài tập luyện này sẽ tăng cường sức mạnh cơ bắp và cải thiện tư thế, kích thích xương phát triển từ lệch chuẩn về mức chuẩn, giúp đôi chân có tính thẩm mỹ hơn.

– Phẫu thuật chỉnh hình: Trong trường hợp nặng, dáng chân quá cong, khiến trẻ đi lại khó khăn, cha mẹ nên đưa con đi phẫu thuật chỉnh hình. Bác sĩ có thể chỉ định con phẫu thuật cắt xương và căn chỉnh khớp để đưa cẳng chân và đầu gối về đúng vị trí, dùng các tấm kim loại và ốc vít để cố định xương mới. Một số trường hợp, trẻ sẽ được cấy ghép thiết bị kim loại trong đầu gối trong 12 tháng, sau đó loại bỏ ra ngoài. Quá trình này sẽ điều hoà sự phát triển bình thường cho đầu gối, giúp trẻ đạt được chiều cao tiềm năng.

Chân vòng kiềng không chỉ khiến trẻ mất tự tin với ngoại hình mà còn ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ. Do đó, cha mẹ nên cảnh giác với tình trạng con bị chân vòng kiềng và tiến hành khắc phục sớm nếu con bị chân vòng kiềng do bệnh lý.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *