Ở các nước đang phát triển, còi xương là bệnh lý nguy hiểm thường gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên. Bệnh không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thể chất mà còn tác động đến chiều cao, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ. Để phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này cho trẻ, ba mẹ hãy cùng nubest.vn tìm hiểu về bệnh còi xương, nguyên nhân gây bệnh, dấu hiệu nhận biết cùng cách điều trị qua bài viết này.
Bệnh còi xương là gì?
Còi xương là một bệnh lý thường gặp do cơ thể thiếu hụt Vitamin D, Canxi và Phospho. Sự thiếu hụt các dưỡng chất thiết yếu này làm giảm nồng độ Canxi và Phospho trong máu. Lúc này, cơ thể có thể sản xuất ra các nội tiết tố giải phóng Canxi và Phospho khỏi xương, gây cản trở quá trình khoáng hóa xương, còi xương và nhuyễn xương.
Một số trường hợp còi xương nghiêm trọng sẽ dẫn đến biến dạng xương, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển tổng thể của trẻ.
Bệnh còi xương có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe và chiều cao của trẻ?
Khi bị còi xương, quá trình phát triển xương bị cản trở, trẻ sẽ thấp bé, dễ gãy răng, gãy xương hơn so với các bạn đồng trang lứa. Cấu trúc xương của trẻ bị bệnh thường không chắc chắn, xương mềm, yếu và độ dẻo dai kém. Khi bị gãy xương, trẻ còi xương thường mất nhiều thời gian bình phục hơn bình thường.
Với trẻ đang trong độ tuổi phát triển, nếu không điều trị bệnh kịp thời sẽ dẫn đến các dị tật về xương, đau xương mạn tính. Một số trường hợp còi xương nặng, xương dễ gãy có thể sẽ tồn tại vĩnh viễn trong cơ thể khiến chiều cao của trẻ bị hạn chế.

Không những tác động tiêu cực đến chiều cao, trẻ bị còi xương sẽ gặp các biến chứng nghiêm trọng khác như:
- Lồng ngực biến dạng, chức năng hô hấp của trẻ bị hạn chế.
- Chân tay bị cong, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và khả năng đi đứng của trẻ.
- Khung xương chậu bị hẹp, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, nhất là với nữ giới.
- Tăng nguy cơ suy dinh dưỡng ở trẻ.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh còi xương
Thiếu vitamin D
Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, phần lớn trẻ em và thanh thiếu niên Việt Nam bị còi xương do thiếu Vitamin D (chiếm 20 – 40% trẻ). Chế độ ăn uống và sinh hoạt không khoa học khiến cơ thể trẻ thiếu hụt lượng lớn Vitamin D dẫn đến bệnh còi xương.
Vitamin D là một trong những chất quan trọng giúp cơ thể phân phối Canxi và Phospho đến cơ quan cần thiết, đặc biệt là xương. Vitamin D khi kết hợp với nội tiết tố tuyến cận giáp PTH để kích thích chuyển hóa Canxi và Phospho, gắn hai chất này vào xương giúp xương phát triển và chắc khỏe. Bên cạnh đó, Vitamin D giúp trẻ tăng khả năng hấp thu Canxi và Phospho ở hệ tiêu hóa.
Trong độ tuổi phát triển, trẻ cần lượng lớn Vitamin D để nuôi xương. Việc thiếu Vitamin D sẽ khiến xương mềm yếu, loãng xương và dẫn đến bệnh còi xương.

Di truyền
Yếu tố di truyền được xem là một trong những nguyên nhân khiến trẻ bệnh còi xương. Thực tế, nếu gia đình có người thân bị còi xương thì trẻ sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người bình thường.
Biến chứng của các bệnh lý nguy hiểm
Một số bệnh lý nguy hiểm sẽ để lại biến chứng khiến trẻ tăng khả năng mắc bệnh còi xương như:
- Bệnh celiac khiến đường ruột của trẻ hấp thu dinh dưỡng kém. Cơ thể thiếu hụt dinh dưỡng dẫn đến bệnh còi xương.
- Bệnh viêm ruột hạn chế khả năng hấp thu dinh dưỡng, tăng nguy cơ thiếu hụt Vitamin D và Canxi dẫn đến còi xương.
- Bệnh xơ nang khiến trẻ tăng nguy cơ còi xương khi bắt đầu bước vào độ tuổi thiếu niên.
- Các vấn đề về thận cũng khiến cơ thể hấp thu dinh dưỡng kém, tăng nguy cơ mắc bệnh còi xương ở trẻ.
Chế độ sinh hoạt không lành mạnh
Lười vận động, ngủ không đủ giấc hay thường xuyên thức khuya khiến cơ thể suy nhược, ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất trong cơ thể trẻ. Từ đó, xương không nhận đủ các dưỡng chất cần thiết để phát triển, dẫn đến tình trạng còi xương.
Dấu hiệu nhận biết bệnh còi xương
Bệnh còi xương ở trẻ thường có những dấu hiệu đặc trưng và khá dễ nhận biết. Một trong những triệu chứng điển hình là xương bị mềm hóa, dễ gãy. Ngoài ra, trẻ mắc bệnh còi xương sẽ có những dấu hiệu sau:
- Trẻ biếng ăn, còi cọc và suy dinh dưỡng.
- Trẻ nhỏ dưới 3 tuổi thường chậm biết bò, biết đi, hay khóc quấy khóc và ngủ giật mình.
- Trẻ dễ tụt canxi, co giật và nôn mửa.
- Cấu trúc xương phát triển bất thường:
- Xương dài: Xương cẳng chân, xương cánh tay cong vẹo, gây ra tình trạng chân vòng kiềng, chân chữ bát, cổ tay và mắt cá chân to.
- Xương sườn: Nổi thành chuỗi hạt, tạo thành hình vòng cung khi bé nằm ngửa.
- Xương cột sống: Có thể bị cong vẹo.
- Khớp: Mềm, dễ bị biến dạng.
Nếu ba mẹ nhận thấy con mình có bất kỳ dấu hiệu nào trên đây, hãy đưa trẻ đến bác sĩ để được khám và tư vấn. Bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán chính xác và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Cách phòng ngừa bệnh còi xương hiệu quả cho trẻ
Để bảo vệ trẻ khỏi căn bệnh còi xương nguy hiểm này, ba mẹ có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh như sau:
Bổ sung đầy đủ Vitamin D
Giai đoạn sơ sinh, sữa mẹ là nguồn cung cấp Canxi và Vitamin D tự nhiên tốt nhất cho trẻ. Giai đoạn này, mẹ cần ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để đủ sữa cho trẻ bú. Trẻ nên được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ trong vòng 6 tháng đầu và duy trì bú sữa mẹ trong vòng 12 tháng tiếp theo.
Với trẻ lớn hơn, mẹ có thể bổ sung Vitamin D thông qua các bữa ăn hàng ngày hoặc cho trẻ uống Vitamin D theo chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt, mẹ nên để trẻ tắm nắng 10-15 phút mỗi ngày vào buổi sáng trước 9 giờ và buổi chiều sau 4 giờ để cơ thể tổng hợp Vitamin D. Thời điểm này nắng không quá gay gắt, tia UVB từ ánh sáng mặt trời sẽ kích thích cơ thể trẻ tổng hợp Vitamin D.

Chế độ ăn uống khoa học
Để ngăn ngừa bệnh còi xương hiệu quả, mẹ nên xây dựng cho trẻ chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ các dưỡng chất cần thiết. Đặc biệt, các loại thực phẩm giàu Canxi, Vitamin D và các dưỡng chất giúp xương chắc khỏe có trong sữa, sữa chua, phô mai, các loại đậu, hải sản, trứng, cá béo, dầu gan cá,… sẽ giúp trẻ ngăn ngừa bệnh còi xương.
Bên cạnh đó, trẻ nên hạn chế ăn đồ ăn nhanh, đồ ngọt. Những thực phẩm này vừa ít chất dinh dưỡng, vừa ảnh hưởng đến quá trình hấp thu Canxi của trẻ.
Tuy nhiên, với cuộc sống bận rộn như hiện tại, trẻ khó mà ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng như mẹ mong muốn. Vì thế, mẹ có thể bổ sung dưỡng chất cho trẻ bằng các loại thực phẩm bổ sung dinh dưỡng như sữa tăng chiều cao để xương chắc khỏe, ngăn ngừa còi xương.
Tham gia thể dục thể thao
Tập thể dục thường xuyên không chỉ giúp cơ thể thúc đẩy quá trình trao đổi chất, phát triển khỏe mạnh mà còn giúp xương khớp chắc khỏe hơn và hỗ trợ quá trình hấp thu Canxi. Đặc biệt, các môn thể thao như bơi lội, nhảy dây, chạy bộ, bóng rổ,… sẽ kích thích sự phát triển của xương và cơ giúp trẻ phát triển chiều cao.

Tuy nhiên, trẻ không nên chơi thể thao quá lâu trong một ngày vì sẽ khiến cơ thể mất sức, tổn thương đến xương và cơ. Trẻ em và thanh thiếu thiếu niên nên dành 30 – 45 phút/ngày để vận động, tham gia thể dục thể thao. Tùy vào độ tuổi và tình hình sức khỏe của trẻ, mẹ có thể điều chỉnh thời gian tập thể dục cho phù hợp.
Khám sức khỏe định kỳ
Để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh còi xương, mẹ nên theo dõi sự phát triển của trẻ bằng cách khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần. Hơn nữa, việc tầm soát sức khỏe định kỳ sẽ giúp mẹ nắm bắt tình hình sức khỏe thực tế của trẻ. Từ đó, mẹ có thể điều chỉnh chế độ dinh dưỡng phù hợp giúp trẻ phát triển khỏe mạnh hơn.
Bệnh còi xương để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe và sự phát triển tổng thể của trẻ. Do đó, phòng ngừa bệnh còi xương là việc vô cùng quan trọng. Ba mẹ cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt của trẻ và đưa trẻ đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.